VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG ĐỔI MỚI CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

          Trong không khí vui tươi của đất nước kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019) và kỷ niệm 129 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890-19/5/2019), chúng ta càng tự hào về những thành tựu, những đổi mới và những bước phát triển mạnh mẽ của đất nước ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
          Quá trình lãnh đạo, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng khéo léo tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhân dịp tọa đàm kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, tôi xin đại diện ngành Giáo dục huyện được trình bày nội dung vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện thực hiện cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện nay trên địa bàn huyện.

                                                           * * *

          Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn”đã từng là thầy giáo, thầy Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh – Phan Thiết (1910), thầy Vương ở lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu (1925-1927) do Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tổ chức, ở nhiều lớp huấn luyện cách mạng khác trong và ngoài nước. Người là thầy giáo dạy chữ cho cán bộ ở Pác Bó (1941) “học chữ để làm người cách mạng”. Sau này, Người thường xuyên đến thăm các lớp xóa mù chữ, bình dân học vụ, các trường phổ thông, đại học, các lớp bồi dưỡng giáo viên… Người đã khởi xướng phong trào “Hai tốt” (dạy tốt, học tốt) của ngành giáo dục. Có thể nói, hiếm có một nguyên thủ quốc gia nào quan tâm đặc biệt đến giáo dục, chăm lo đến thầy giáo, cô giáo, học sinh các cấp như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
          Trong Di chúc của Bác trước lúc phải đi xa Người nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Việc bồi dưỡng ở đây có thể hiểu đó là quá trình truyền lại, quá trình giáo dục của thế hệ đi trước đối với thế hệ sau những kiến thức, tri thức khoa học, lý tưởng cách mạng.
          Người đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Nhiệm vụ “trồng người” quan trọng thì vai trò của “người trồng” càng quan trọng. “ Đại kế giáo dục, người thầy là gốc”. Đã bao đời, nhân dân ta truyền tụng câu tục ngữ: “Không thầy, đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.
           Bác đã nhấn mạnh đến vai trò của người thầy giáo: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo- là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? vì vậy nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất là vẻ vang”. Lời Bác dạy làm chúng ta hiểu thêm về vai trò của thầy giáo trong sự nghiệp giáo dục. Giáo dục là con đường căn bản để chấn hưng dân tộc, nền tảng của sự tiến bộ xã hội, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, thúc đẩy con người phát triển toàn diện. Vận nước hưng hay suy phụ thuộc vào giáo dục. Phát triển giáo dục là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của toàn xã hội, trong đó đội ngũ thầy cô giáo (và cán bộ quản lý giáo dục) là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Có thầy tốt mới có giáo dục tốt.
              Tình hình Giáo dục & Đào tạo huyện thời gian qua
          Xác định giáo dục là sự nghiệp chung, của toàn xã hội; “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, để nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đã được các cấp lãnh đạo huyện, xã tập trung lãnh đạo. Thời gian qua, Huyện ủy, HĐND và UBND huyện có nhiều Chỉ thị, Chương trình hành động, kế hoạch, các chỉ tiêu Nghị quyết về xây dựng trường chuẩn quốc gia, về PCGD-XMC, về nâng cao chất lượng, đào tạo nguồn nhân lực, về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Đặc biệt gần đây nhất là Chương trình hành động số 23-CTr/HU ngày 14/10/2014 của Huyện ủy và Quyết định số 99/QĐ-UBND ngày 21/5/2015 của UBND huyện Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng.
           Đến nay đánh giá sau 5 năm thực hiện Chương trình và Kế hoạch, sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện phát triển mạnh, toàn diện cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Quy mô giáo dục, mạng lưới trường, lớp học mầm non, phổ thông phát triển phù hợp với phân bố dân cư và địa hình của huyện, tạo cơ hội và đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em nhân dân huyện nhà và thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, toàn huyện có 22 trường học công lập và 01 cơ sở mầm non tư thục. Các trường công lập gồm có: 10 trường MN, 01 trường TH, 09 trường TH&THCS, 01 trường THCS&THPT, 01 trường THPT. Toàn ngành hiện có trên 11.000 học sinh và 940 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
           Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT
           * Xây dựng CSVC, trường lớp và trang thiết bị phục vụ dạy học
          Cơ sở vật chất trường, lớp học được chú trọng đầu tư tăng cường theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa. Hiện nay, toàn huyện có trên 95% phòng học kiên cố; 18 nhà công vụ giáo viên, 01 khu ký túc xá cho học sinh trường THPT Vĩnh Hưng; có 13/22 trường học đạt chuẩn quốc gia (đạt 59.09%). Nhìn chung các trường đều quan tâm xây dựng nhà trường khang trang, xanh – sạch – đẹp và an toàn nên thu hút tất cả học sinh đến trường.
          Có 06 thư viện nhà trường xây dựng theo mô hình Room to Read (Thư viện trường học thân thiện).
           Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý tiếp tục được quan tâm thể hiện qua việc các trường tiếp tục đầu tư mua sắm bổ sung, nâng cấp trang thiết bị như máy tính, ti vi, các phần mềm kết nối internet, tiến hành lắp đặt Camera an ninh trường học, xây dựng Website… đến nay toàn ngành có 906 máy vi tính trong đó có 106 lattop, 67 máy chiếu qua đầu, 63 tivi, 37 bảng tương tác; hầu hết máy tính và tivi được kết nối internet. Chỉ đạo giáo viên khai thác tối đa các thiết bị dạy học trên lớp và đồng thời khuyến khích làm thêm ĐDDH để bổ sung cho các trang thiết bị còn thiếu.
Tiếp thực hiện hiệu quả các phần mềm quản lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giảng dạy như: Phần mềm kế toán, thống kê (onlines, nhân sự, thư viện, thiết bị, quản lý học sinh, quản lý văn bản ICT; PCGD-XMC, Thi đua khen thưởng, CSDL…), các trường trang bị phần mềm soạn giảng, quản lý tài sản, kế toán. Tích cực tham gia trường học kết nối. Phối hợp cùng Cty viễn thông VNPT tiếp tục triển khai phần mềm quản lý điện tử đối với các trường có cấp học THCS.
            Tham mưu UBND huyện, Sở GDĐT tiếp tục đầu tư trang thiết bị, phòng máy, phòng Lap, bảng tương tác theo quy định, tổ chức bồi dưỡng, nâng chuẩn trình độ giáo viên Tiếng Anh theo khung năng lực Châu Âu..
Về cơ bản cơ sở vật chất và trang thiết bị đáp ứng đủ cho hoạt động dạy và học của thầy trò các trường.
             * Về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Thực hiện chỉ đạo của Huyện uỷ và UBND huyện, Ngành giáo dục đã tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý qua việc triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ giai đoạn 2013-2015, định hướng đến 2020 đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐT phát triển toàn diện về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và mối quan hệ cộng đồng theo chuẩn nghề nghiệp qui định. Tăng cường chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý các ngành học, bậc học về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, hành chính và quản lý giáo dục. Đến nay toàn huyện có 100% cán bộ quản lý trình độ đào tạo trên chuẩn; giáo viên trên chuẩn đào tạo đạt trên 70% ; đặc biệt đến nay có 53/53 giáo viên dạy tiếng Anh đạt từ B1 trở lên. Trong đó, tiểu học 01 giáo viên đạt trình độ B1 (đang bồi dưỡng để đạt chuẩn theo quy định), 29 giáo viên đạt trình độ B2; THCS: 22 giáo viên đạt trình độ B2 và 01 giáo viên đạt trình độ C1.
            Để tạo sự ổn định lâu dài đối với đội ngũ CBGV, NV toàn huyện, thời gian qua Huyện luôn có chính sách thu hút, tạo nguồn qua việc phối hợp Sở GD&ĐT, Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, tổ chức mở lớp đào tạo hệ trung cấp Sư phạm Mẫu giáo (hệ vừa làm vừa học) cho 62 GV mầm non; phối hợp cùng Sở GD&ĐT với Trường Trung cấp Y tế Long An đào tạo 23 nhân viên Y tế trường học, điều này đã giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và nhân viên tại các trường.
          Trong những năm qua, phong trào thi đua “Dạy tốt” trong ngành được duy trì và phát huy, nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy, trong quản lý trường học được nhân rộng toàn ngành, có rất nhiều lượt tập thể và cá nhân đạt danh hiệu thi đua và được khen thưởng các cấp. Nhiều tấm gương nhà giáo ưu tú, xuất sắc rất xứng đáng được khen tặng. Riêng năm học 2017-2018 đã có 835 cá nhân đạt danh hiệu lao động tiên tiến, 118 cá nhân đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, 118 cá nhân được UBND huyện tặng giấy khen, 06 tập thể được UBND tỉnh công nhận TTLĐXS, 05 tập thể và 48 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen, 02 cá nhân được Bộ GDĐT tặng bằng khen,có 06 giáo viên được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú dịp 20/11 vừa qua.
          * Về nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, đào tạo nguồn nhân lực
          Vấn đề phát triển năng lực của người học, phát huy tính tích cực, tự lực của học sinh đang được quan tâm trong quá trình chuẩn bị cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta, cũng như việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Nhất là mục tiêu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “phải tạo cho được chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục – đào tạo; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả”.
Thời gian qua, chất lượng, hiệu quả giáo dục tiếp tục có những chuyển biến rõ nét và toàn diện ở các cấp học, nhất là ở xã vùng sâu, xã biên giới; có nhiều mô hình và giải pháp đặc thù để nâng cao chất lượng giáo dục. Số trường, số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày được nâng lên và đạt 100 % vào năm học này, có 4.696 học sinh tham gia học; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hàng năm tăng dần lên; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tăng lên hằng năm; công tác giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống được chú trọng. Kỷ cương, nền nếp trường học tiếp tục được duy trì và củng cố. Huyện Vĩnh Hưng đã đạt chuẩn Phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ (PCGDTH-CMC) năm 1997; đạt chuẩn Phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTH ĐĐT) năm 2005; đạt chuẩn Phổ cập giáo dục Trung học cơ sở (PCGD THCS) năm 2007. Kết quả PCGD được duy trì vững chắc ở 10/10 xã, thị trấn. Hàng năm tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 100%; trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%.
          Các cấp quản lý giáo dục tăng cường công tác tham mưu Ban chỉ đạo PCGD-XMC cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phụ huynh và học sinh thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông và định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp trung học chuyển biến qua từng năm học nên hiệu quả phân luồng sau tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển biến qua từng năm nên tỷ lệ thanh niên từ 18 đến 21 tuổi tốt nghiệp THPT và tương đương từ 59,3% năm 2013 tăng lên 79.08% vào cuối năm 2018 (Gần đạt chỉ tiêu quy định của tỉnh là 80%).
           Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thường xuyên chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phụ đạo học sinh giỏi để tham gia các cuộc thi cấp huyện, tỉnh. Các phong trào thi đua do tỉnh phát động Ngành giáo dục huyện luôn chỉ đạo, đầu tư thực hiện đảm bảo phát triển toàn diện, bền vững và đều khắp dù còn nhiều khó khăn về kinh phí tổ chức thực hiện so với các huyện khác nhưng các phong trào, hội thi cấp tỉnh, huyện đều đạt kết quả khả quan. Để kịp thời động viên, biểu dương các học sinh đạt giải cao Phòng GD&ĐT phối hợp Hội khuyến học tham mưu UBND huyện tổ chức tuyên dương khen thưởng hàng năm. Kết quả năm học 2017-2018
– Đạt thành tích HS giỏi văn hóa cấp tỉnh: Ở cấp THCS đã đạt 02 giải Nhất, 03 giải Nhì, 08 giải Ba. Ở cấp THPT đạt 05 giải Ba
– Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh đạt 01 HCV cấp Tiểu học, 04 HCV cấp THCS
– Giải toán trên máy tính cầm tay cấp THCS của Tỉnh: Đạt 04 giải Nhì và 06 giải Ba.
– Hội thi Khoa học kỹ thuật đạt 01 giải Nhì cấpTỉnh, 01 giải Ba toàn quốc.
– Các hội thi khác: Đạt 01 giải Nhì cấp TH trong Hội thi Tin học trẻ không chuyên; 01 giải Nhất cấp THCS về thi thực hành Lý.
             Phương hướng trong thời gian tới
         Ngày 4-11-2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI (nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
           Như vậy, để thực hiện lời dạy trên của Bác Hồ, nhiệm vụ của nhà trường phổ thông hiện nay là phải đào tạo những thế hệ học sinh có năng lực vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn. Đó cũng là triết lí về giáo dục cho thế kỉ XXI, mà Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã tuyên bố, là: “Học để biết”; “Học để làm”; “Học để cùng chung sống”, “Học để làm người”, và để “học thường xuyên, suốt đời” thì vai trò của học sinh sẽ ở vị trí trung tâm của nhà trường, giờ đây học sinh là người chủ động chiếm lĩnh kiến thức dưới sự hướng dẫn của thầy. Từ đó, đòi hỏi các nhà trường phổ thông không chỉ còn là truyền thụ kiến thức một chiều mà là sự khám phá, chiếm lĩnh kiến thức, hình thành ở các em các năng lực đáp ứng linh hoạt và hiệu quả trước những yêu cầu mới.
        Thời gian tới đối với ngành giáo dục huyện cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
        1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác giáo dục. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); tạo sự chuyển biến, thống nhất trong nhận thức và hành động nhằm huy động toàn xã hội tập trung chăm lo đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, là một trong những chương trình phát triển kinh tế – xã hội và là mục tiêu cơ bản trong chiến lược phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của huyện.
            2. Phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu giáo dục theo Nghị quyết số 29 -NQ/TW, chương trình hành động số 23 của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
          3. Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp bậc trung học, đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đảm bảo đến năm 2020 toàn huyện có 80% trường đạt chuẩn, trong đó Trung học phổ thông có ít nhất 01 trường đạt chuẩn theo lộ trình; Phấn đấu đến năm 2020, 100% giáo viên đạt chuẩn trong đó trên chuẩn 80%, nâng cao hiệu quả giáo dục, giảm tỷ lệ học sinh lưu ban, yếu kém và bỏ học.
          4. Chú trọng công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS và THPT tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội địa phương trong đào tạo nghề; Ngành giáo dục chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác PCGD-XMC nói chung, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo nói riêng trên địa bàn huyện. Tích cực tham mưu sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và tuyên dương khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay, có hiệu quả trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
           5. Triển khai và thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội, Quyết định 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ, thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo kể từ năm học 2020-2021.
Một số giải pháp chủ yếu:
– Căn cứ thực tế công tác giáo dục và đào tạo của từng địa phương, đơn vị, cấp uỷ, chính quyền, cơ quan quản lý giáo dục, trường học xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, đề ra giải pháp cụ thể, sát với tình hình theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, phát triển toàn diện, bền vững, đảm bảo khả thi.
– Tổ chức rà soát, đánh giá lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để sắp xếp, bố trí theo hướng tinh giản biên chế, đảm bảo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn về trình độ, xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo; giải quyết hiệu quả tình trạng dạy chéo môn trong các trường học.
– Coi trọng giáo dục toàn diện, gắn trang bị kiến thức với giáo dục, rèn luyện đạo đức, giáo dục lịch sử, truyền thống địa phương cho học sinh. Nâng cao chất lượng bộ môn giáo dục công dân trong các trường phổ thông.
– Chú trọng xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể trong trường học vững mạnh toàn diện; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với các cơ sở đảng trong trường học, chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong ngành giáo dục, làm nòng cốt thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong trường học và các cơ sở giáo dục.
– Tập trung đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá kết quả học tập theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học. Đảm bảo củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; đầu tư, có chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mũi nhọn, giáo dục năng khiếu, phát huy tài năng trẻ trong ngành giáo dục.

         Mặc dù ra đời cách đây nhiều thập kỷ, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vẫn rất có ý nghĩa đối với sự nghiệp phát triển giáo dục của nước ta hiện nay. Chúng ta không chỉ tìm thấy trong tư tưởng của Người những gợi ý để tháo gỡ các vướng mắc cụ thể về vai trò, nội dung của giáo dục…, mà còn có thể học được từ đó phương pháp luận giải quyết vấn đề của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các phương pháp này rất gần với những gì đang được nói tới hiện nay như mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội,…
         Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện nghiêm túc tiếp thu và vận dụng những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tế của địa phương một cách phù hợp để tiếp tục ổn định và phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để phục vụ tốt cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội huyện nhà. Kết quả đạt được trên từng nội dung về nâng cao chất lượng đào tạo mũi nhọn và đại trà hàng năm đạt tốt, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo từng bước được nâng cao.
Thời gian tới tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là thực hiện lộ trình về Chương trình giáo dục phổ thông, tin chắc rằng sẽ có không ít khó khăn và thách thức đặt ra. Song toàn ngành quyết tâm thực hiện tốt lời Bác Hồ từng căn dặn “…Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”./.

Tin và ảnh: Huỳnh Văn Quốc