NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VĨNH HƯNG 

GẦN 40 NĂM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI.

     I. Quá trình hình thành

     Ngày 30/3/1978, theo quyết định số 71-CP của Hội đồng Chính phủ, chia Tây bắc của huyện Mộc Hoá – tỉnh Long An để thành lập huyện mới “Vĩnh Hưng” có 11 đơn vị hành chánh cấp xã, với diện tích tự nhiên 890,33 km2. Người dân sinh sống tập trung theo sông Vàm Cỏ Tây, các nhánh kênh rạch và các gò cao như Gò Bò, Gò Ông Lẹt, Gò Tà Nu, Gò Xoài, Gò Cát, Gò Thuyền… Dân số lúc bấy giờ chỉ khoảng 24.500 người.

 Do đặc thù thiên nhiên, Vĩnh Hưng nằm ở vùng sâu của Đồng Tháp Mười, hàng năm chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt. Sự hình thành và phát triển kinh tế – xã hội của Vĩnh Hưng gắn liền với quá trình khai thác đất hoang hóa, di dân xây dựng vùng kinh tế mới. Quá trình khai thác tài nguyên phát triển kinh tế xã hội là lợi thế cơ bản của Vĩnh Hưng.

     Ngày 24 tháng 3 năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 27-CP, điều chỉnh địa giới hành chánh, trên cơ sở tách huyện Vĩnh Hưng thành 2 huyện  Vĩnh Hưng và Tân Hưng. Trong đó Huyện Vĩnh Hưng sau khi tách địa giới hành chánh có diện tích 38.238 ha, dân số 31.924 người với 10 đơn vị hành chánh cấp xã, trong đó có 53 ấp/khu phố. Thời điểm tháng 12/2016 dân số huyện tăng hơn 2,1 lần so năm 1994 (52.774 người).

     Trong lịch sử phát triển đó, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã góp một phần công sức trong việc “nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nơi đây.

     Với chức năng quản lý Nhà nước trên lĩnh vực giáo dục, Phòng GD&ĐT Vĩnh Hưng chính thức hoạt động cùng với thời gian thành lập huyện Vĩnh Hưng. Sau khi tách huyện, gần 40 năm vươn lên từ gian khó, thiếu thốn không những về cơ sở vật chất mà cả về đội ngũ nhà giáo giảng dạy nhưng với truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn đội ngũ toàn ngành không ngừng lớn mạnh không những về mặt số lượng mà ngày càng vững mạnh về mặt chất lượng. Hiện nay, Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Vĩnh Hưng đã có những bước tiến vững chắc trong quản lý, điều hành hoạt động của 35 trường trực thuộc theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Trụ sở Phòng GD&ĐT đặt tại địa chỉ số 63 đường Tháp Mười – Thị trấn Vĩnh Hưng – huyện Vĩnh Hưng.

     II. Quy mô, hệ thống trường lớp

     Hiện nay, toàn huyện có 35 đơn vị trường học trực thuộc Phòng GD&ĐT gồm:

           – 11 trường Mầm non (MN) công lập và 01 cơ sở MN tư thục;

          – 15 trường Tiểu học;

          – 08 trường Trung học cơ sở;

          – 01 trường Tiểu học và Trung học sở.

     Năm học 2016-2017 với 35 trường trực thuộc gần 9.900 em; 960 CBGV-NV (trong đó 100% giáo viên dạy lớp đều đạt chuẩn đào tạo theo quy định, trong đó trên chuẩn gần 60%). Trong những năm qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của xã hội thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” cơ sở vật chất, phòng học trên địa bàn huyện được đầu tư theo hướng chuẩn hoá, xã hội hoá, từng bước hiện đại hoá từ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục và đào tạo góp phần đẩy mạnh phong trào dạy tốt – học tốt của Giáo viên và Học sinh toàn ngành.

      III. Những kết quả đáng tự hào

  1. Phong trào thi đua Hai tốt “Dạy tốt – Học tốt”

     Hoạt động dạy tốt: Trong những năm qua, giáo dục Vĩnh Hưng đã có sự phát triển vượt bật với nền tảng là phong trào thi đua yêu nước. Nhiều điển hình tiên tiến trong phong trào này đã trở thành CBQL các trường trực thuộc như MN Hưng Điền A, MN Khánh Hưng, MN Vĩnh Trị, MN Thị trấn, MN Tuyên Bình, MN Vĩnh Thuận; TH Khánh Hưng, TH Nguyễn Thái Bình, TH Thái Trị, TH Nguyễn Thị Hồng,TH Tuyên Bình Tây; THCS Tuyên Bình Tây, THCS Thái Bình Trung, TH&THCS Vĩnh Thuận.

     Xác định đổi mới phương pháp dạy học là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của ngành giáo dục, hàng năm Phòng GD&ĐT đã phối hợp cùng Công đoàn ngành tổ chức các Hội thi đổi mới phương pháp giảng dạy ở các ngành học, cấp học. Nổi bật trong phong trào này đối với mầm non là trường MN Khánh Hưng, MN Vĩnh Thuận, MN Thị Trấn Vĩnh Hưng; đối với bậc tiểu học là trường TH Vĩnh Bình, TH Khánh Hưng; đối với cấp THCS là trường THCS Thái Trị, THCS Thị trấn Vĩnh Hưng;, THCS Thái Bình Trung,…Đối với cá nhân nổi bật có cô Lê Thị Tâm (MN Thị Trấn Vĩnh Hưng), cô Đặng Thị Thương (MN Khánh Hưng), cô Võ Thị Ngọc (MN Vĩnh Thuận); đối với bậc tiểu học có giáo viên Phạm Thị Tuyết Minh (TH Vĩnh Bình), cô Lê Thị Ánh Minh (TH Khánh Hưng); đối với cấp THCS có cô Đặng Thị Thu Thảo, Võ Thị Ngọc Mai (THCS Thị Trấn Vĩnh Hưng), thầy Nguyễn Văn Đãi (THCS Thái Trị) và nhiều giáo viên khác là những giáo viên dạy giỏi đạt giải cao hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp.

      Hoạt động học tốt: Phong trào thi đua học sinh giỏi phát triển đều khắp ở tất cả các trường phổ thông trong toàn huyện, chất lượng hiệu quả ngày càng cao hơn qua từng năm học. Nổi bật trong phong trào này là trường TH Khánh Hưng, TH Thị Trấn Vĩnh Hưng, TH Nguyễn Thái Bình, THCS Thị Trấn Vĩnh Hưng, THCS Thái Trị, THCS Vĩnh Bình. Trong 5 năm trở lại đây, đã có 176 học sinh đạt giải cấp tỉnh trong đó có 39 giải nhất; 56 giải nhì; 65 giải ba. Cấp huyện có 789 học sinh đạt giải gồm 145 giải nhất, 216 giải nhì; 246 giải ba. Đã có 31 lượt học sinh tham gia phong trào học sinh giỏi cấp toàn quốc, khu vực trong đó có 13 lượt học sinh đạt giải; nhiều học sinh đạt giải cấp quốc gia nổi bật như em Trần Hải An học sinh trường TH Thị trấn Vĩnh Hưng, em Nguyễn Thanh Điều học sinh TH Khánh Hưng, em Nguyễn Thanh Ngọc học sinh trường THCS Thị trấn Vĩnh Hưng…

     Ngoài ra, các phong trào thi đua khác như văn nghệ, thể dục thể thao trong giáo viên và học sinh phát triển mạnh mẽ. Những điển hình thi đua trong phong trào này có thể kể: Trường THCS Tuyên Bình Tây có nhiều học sinh nhiều năm liền có học sinh đạt huy chương vàng về bơi lội cấp tỉnh; trường THCS Thị trấn Vĩnh Hưng có nhiều học sinh đạt giải cao trong hội thi tiếng hát dướng mái trường cấp tỉnh; trường TH Thị Trấn Vĩnh Hưng và TH Khánh Hưng luôn đạt giải cao cấp tỉnh về tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông, viết chữ đẹp. Ngành giáo dục huyện Vĩnh Hưng luôn là đơn vị đi đầu trong phong trào văn nghệ, thể dục thể thao của huyện, cấp ngành của tỉnh.

     Bình quân 5 năm qua mỗi năm ngành giáo dục huyện có trên 90% tập thể LĐTT; 20-25% tập thể LĐXS; gần 70% CBGVNV đạt danh hiệu thi đua các cấp trong đó có gần 20% CSTĐCS; có 19 lượt tập thể lao động xuất sắc.

      Ngành giáo dục huyện đã có 5 tập thể, 97 lượt CBGV được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; 93 lượt tập thể và 287 lượt cá nhân được Giám đốc Sở GD&ĐT, Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen trong các phong trào thi đua ngắn hạn giai đoạn 2011-2015. Ngoài ra còn có 56 tập thể, 53 lượt cá nhân được Đoàn thể TW, tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác công đoàn, Đoàn đội trường học.

     Nổi bật trong phong trào thi đua là trường TH Khánh Hưng vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba; trường TH Thị Trấn được Chủ tịch UBND tỉnh 4 lần tặng cờ thi đua xuất sắc; Phòng GD&ĐT 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc, trường MN Thị trấn Vĩnh Hưng, MN Thái Bình Trung, THCS Thị trấn Vĩnh Hưng đều được Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc….

  1. Xây dựng cơ sở vật chất hướng tới trường đạt chuẩn Quốc gia

     Trong thời gian qua, cơ sở vật chất, hệ thống trường lớp trên địa bàn huyện được Phòng GD&ĐT tham mưu cùng Sở GD&ĐT, UBND huyện, các ban ngành và UBND các xã (thị trấn) sắp xếp, quy hoạch, định hướng bố trí và xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại và phù hợp hơn với điều kiện thực tế địa phương. Trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2016-2020 gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm này toàn huyện có 16/35 trường (tỷ lệ 45.7%) trong đó có 3 trường đạt chuẩn mức độ 2. Có 23 trường được đánh giá ngoài, trong đó có 19 trường đạt cấp độ 3.

     Tóm lại, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện Vĩnh Hưng trong thời gian qua, ngành GD&ĐT Vĩnh Hưng từng bước khẳng định vị trí vai trò trong bản đồ giáo dục khu vực Đồng Tháp Mười. Những bước đi vững chắc của ngành có được trước hết đó là sự lãnh đạo, định hướng của các ủy Đảng, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở, sự quan tâm chỉ đạo của ngành cấp trên. Sự phấn đấu vươn lên của đội ngũ CBQL, GV toàn ngành trong các phong trào thi đua dạy tốt – học tốt. Hơn thế nữa đó là sự đóng góp to lớn về vật chất lẫn tinh thần, tiền bạc và ngày công lao động của nhân dân Vĩnh Hưng, của các tổ chức, các cá nhân mạnh thường quân trong suốt chặng đường phát triển của ngành.

     Trong xu thế phát triển chung của huyện, của đất nước, ngành giáo dục Vĩnh Hưng tiếp tục phấn đấu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đảm bảo các mục tiêu về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng giáo dục trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2030 của huyện./.

                                                                                            BAN BIÊN TẬP